Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

“NIỀM VUI ĐỜI THÁNH HIẾN”


“NIỀM VUI ĐỜI THÁNH HIẾN”
 - Giảng lễ khấn dòng MTG Hưng Hóa (29.7.2014)-

Bđ I  : Nhã ca 2,8-14; 3,1-4
Bđ II : Ph 4,1.4-9
TM :   Ga 15,1-11

Hôm nay, tôi thấy ai cũng vui, mà vui nhất chắc là 20 nữ tu khấn trọn, và 2 chị mừng Ngân Khánh, vì các chị đạt được nguyện ước trọn đời thuộc về Chúa. Khuôn mặt các chị bừng lên niềm vui. Chúng ta cùng vui với các chị.
Niềm vui là một chủ đề lớn trong Kinh Thánh. Nhân lễ khấn dòng hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài khía cạnh của niềm vui này.

1. Trước hết, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của niềm vui. Ngài vui trong công cuộc tạo dựng. Ngài vui trong công trình cứu độ. Ngài vui vì được ở với con người. Ngôn sứ Isaia gọi tên của Đấng Cứu Thế là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thánh vịnh 149, 9a khẳng định : “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người”. Một trong những dấu chỉ niềm vui của Chúa, là bí tích Thánh Thể, vì qua đó Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Những người yêu nhau thì thích được ở mãi bên nhau. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn các môn đệ ở lại trong Ngài, gắn bó với Ngài như cành liền cây, để “anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.
2. Niềm vui của con người thường khác với niềm vui của Thiên Chúa, bởi được đặt trên danh-lợi-thú, nên mau qua, hời hợt, vương vấn vật chất, có khi đắm mùi tục lụy và xấu xa nữa. Con người có thể sáng vui chiều buồn, hoặc buồn nhiều hơn vui ! Người kitô hữu, do thế giá là con Thiên Chúa, được kêu mời phải vui luôn. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê 4,4 đã nhắc nhở : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em !” Niềm vui của kitô hữu không đặt ở vật chất mà là tinh thần, siêu nhiên hơn tự nhiên, từ khước hơn chiếm đoạt, như khi tu sĩ từ khước danh-lợi-thú qua ba lời khấn vâng phục-khó nghèo-khiết tịnh, họ sẽ có được niềm vui của Thiên Chúa.
Lúc này, các chị em nữ tu sắp tuyên khấn trọn đời đang dạt dào niềm vui siêu nhiên. Trong những năm qua, các chị đi tìm Chúa như cô gái trong đoạn sách Nhã Ca đi tìm người yêu, rất thơ mộng. Tôi nhớ đến một trò chơi thời thơ ấu mà hẳn ai trong chúng ta đều đã từng biết, đó là trò chơi trốn-tìm, một người nấp và người kia đi tìm. Người nấp cố nấp cho thật kín, và người tìm cố tìm cho ra. Trò chơi trẻ thơ này thật là vui. Người núp vui khi thấy người kia ngơ ngác đi tìm mà không thấy, người tìm khi tìm được thì vui trông thấy. Hình như Chúa thường chơi trò trốn tìm với chúng ta đấy.
3. Nói đến niềm vui, tôi nhớ đến tông huấn đầu tay của ĐTC Phanxicô mang tựa đề “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium). Những lời mở đầu của tông huấn này mô tả niềm vui đích thực, siêu nhiên khi gặp được Chúa : “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh” (số 1).
Các nữ tu hôm nay nêu gương cho chúng ta về cuộc đi tìm Chúa và niềm vui của Người. Các chị đã vượt mọi thử thách để kiên trì đi tìm, đã gặp được Chúa Giêsu, người yêu của lòng mình, và không bao giờ chịu rời xa, để có được niềm vui trọn vẹn hôm nay : “Vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc, và chỉ nơi Chúa con tìm thấy được nguồn vui, Chúa là gia nghiệp đời con” (Tv 15). Chúa Giêsu là niềm vui lớn lao nhất của các chị, đến nỗi không ai, không gì khác có thể lôi cuốn các chị được nữa. 
4. Không chỉ các nữ tu này, mà mọi người chúng ta cũng phải làm sao đạt được niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô trong cuộc đời mình. ĐTC Phanxicô viết ở số 3 như sau : “Tôi kêu mời mọi kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến. Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta.”
5. Niềm vui có Chúa trong cuộc đời không ngăn cản kitô hữu, kể cả các nữ tu, khỏi những thử thách, đau khổ nơi tâm hồn hay thể xác. Các chị đã có kinh nghiệm bản thân về điều này trong quá trình đi theo Chúa. Tình yêu Chúa sẽ giúp các chị vượt qua những đau khổ, thử thách mà vẫn giữ được niềm vui. Châm ngôn của Hội dòng Mến Thánh Giá nhắc các chị rằng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các chị. Vậy mong rằng niềm vui hôm nay sẽ ở mãi trên khuôn mặt của các chị, để đừng mang nét mặt rầu rĩ mà phải luôn tươi tắn. ĐTC Phanxicô có lần đã nhắc khéo : “Xin đừng mang bộ mặt đưa đám, thưa các nữ tu”. Ngạn ngữ Pháp có câu : “Un saint triste est un triste saint”, dịch thoát là : Một vị thánh rầu rĩ là một vị thánh bỏ đi !
6. Niềm vui đó còn phải lan tỏa ra chung quanh, đến với mọi người, nhất là với những ai đang ở trong sầu đau buồn tủi của cuộc sống, trong viễn cảnh loan báo Tin Mừng, Tin Vui của Chúa Giêsu, vốn được ký thác một cách đặc biệt cho những người sống đời tu trì, để những người bất hạnh cũng tìm được niềm vui siêu nhiên, vĩnh cửu, cao quý này.
Chúng ta cùng nghe câu chuyện về Mẹ Têrêsa Calcutta mà chắc ít ai biết. Câu chuyện xảy ra vào năm 1994, khi Mẹ đến đất nước Việt Nam lần thứ 3.
“Một buổi chiều đầu tháng 4 năm 1994, tôi (một nữ tu) chuẩn bị kiệu Mình Thánh cho một linh mục bà con là cha Gioan Hồ Hán Thanh, thuộc giáo phận Ban Mê Thuột, bị sưng khớp đầu gối không thể đi lại và rất đau nhức, phải điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ngài nằm chung phòng với một ông đảng viên cộng sản có 40 năm tuổi đảng.
Tôi và một chị nữa đang chuẩn bị đi thì gặp Mẹ Têrêsa và sơ Nirmala đi tắc-xi ghé thăm chúng tôi mà không báo trước. Khi biết chuyện, Mẹ muốn cùng đi thăm cha. Khi tới trước cửa phòng, tôi đã chỉ cho Mẹ biết giường nào là của cha Thanh và giường nào là của ông đảng viên.
Mẹ bước vào phòng, đi thẳng tới giường ông đảng viên thăm hỏi ông, và khi biết ông bị đau tim, Mẹ Têrêsa đã đặt tay lên ngực ông và cầu nguyện vài phút. Rồi Mẹ lấy một ảnh Đức Mẹ Ban Ơn trong giỏ xách tay của Mẹ, hôn ảnh trước khi đưa cho ông đảng viên và nói : “Xin Đức Mẹ Maria chúc lành và ban cho ông mau bình phục”. Sau đó Mẹ mới qua giường cha Thanh, Mẹ cũng đặt tay trên 2 đầu gối của cha và cầu nguyện, và cha Thanh rước Mình Thánh Chúa. Vài ngày sau, tôi tới thăm cha Thanh, điều cảm động và hết sức ngạc nhiên là tôi nhìn thấy ông đảng viên đeo mẫu ảnh Đức Mẹ Ban Ơn trên túi áo ông ấy mặc.
Mẹ chia sẻ với chúng tôi : “Thế giới này đã quá nhiều bom đạn, những thứ đó không thể đem lại hoà bình, hạnh phúc, mà chỉ có tình yêu và lòng thương xót. Hãy bắt đầu bằng một nụ cười, hãy mỉm cười ít là 5 lần mỗi ngày với người mà bạn không muốn cười tí nào ! Xin hãy làm điều đó vì hoà bình ! Ngày nay trên thế giới có quá nhiều đau khổ, rất nhiều ! Những đau khổ về vật chất như  đói, không nhà cửa, bệnh tật … Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đau khổ lớn nhất là cô đơn, bị bỏ rơi, không được ai yêu thương, đó là căn bệnh khủng khiếp nhất mà bất cứ ai đều cảm nhận được”.
Cuộc đời người nữ tu là một hành trình đi tìm Chúa, gặp được rồi, chị bừng lên niềm vui. Chị không giữ niềm vui ấy cho riêng mình, nhưng chia sẻ với những ai không biết Chúa, những ai đau khổ trong cuộc sống, để họ cũng được biết Chúa và tràn niềm vui. Một cuộc đời như thế thật ý nghĩa và đáng theo đuổi. Chúng ta cầu chúc niềm vui siêu nhiên thánh thiện mà các nữ tu đang nếm cảm sẽ sáng mãi trong cuộc sống thánh hiến của chị. 

                                                                           Cổng thông tin: Nhóm ve chai Gioan Don Bosco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét