Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015
LINH MỤC TRIỀU VÀ LINH MỤC DÒNG KHÁC NHAU THẾ NÀO?
Hỏi: Thưa cha, con có câu hỏi này muốn hỏi cha: Giữa cha triều và cha dòng có gì khác nhau không? Và con cũng xin hỏi thêm là ơn gọi đến với từng người làm sao thưa cha? Con cám ơn cha nhiều lắm! (Lê Hoàng Tuấn Kiệt)
Đáp:
Anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt thân mến,
“Triều” và “Dòng” là những từ ngữ khác nhau được dùng để chỉ về hai lối sống khác nhau trong cộng đồng Giáo Hội.
Đa số các linh mục trên thế giới là các linh mục triều (secular priests), phục vụ trong các giáo xứ, ở giữa dân chúng hay “giữa thế gian” (theo tiếng Latin, thế giới là “saeculum”). Các linh mục này còn được gọi là các linh giáo phận (diocesan priests). Còn một số linh mục khác, họ là những phần tử của các dòng tu, thuộc những cộng đồng tu trì mà ngày nay gọi là các tu hội đời tận hiến (religious priests). Sự khác biệt chính yếu là các linh mục triều không tuyên giữ ba lời khấn bậc tu trì như các linh mục dòng, mặc dù các linh triều cũng hứa vâng lời Đức Giám mục và hứa sống trinh khiết độc thân nhưng không khấn giữ đức khó nghèo như các tu sĩ.
Các linh mục triều là các linh mục “nhập tịch” vào giáo phận, trực thuộc giáo phận, trực tiếp dưới quyền Đức Giám mục giáo phận, vâng lời và thi hành chức vụ linh mục, đảm nhận những công tác do Đức Giám mục chỉ định. Chủ yếu các linh mục triều là phục vụ trong các giáo xứ, thi hành việc mục vụ. Thông thường, các linh mục triều hoạt động trong địa hạt giáo phận của mình.
Trái lại, các linh mục dòng là các cha hội nhập vào các dòng tu, là tu sĩ, phần tử của các dòng tu, tuyên giữ lời khấn dòng (khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời bề trên), trực tiếp vâng lời bề trên dòng trong mọi sự việc và đảm nhận những công tác do bề trên chỉ định. Các công việc của các linh mục dòng tùy thuộc đoàn sủng mỗi dòng. Họ có thể thi hành những việc về phụng vụ, quản trị, mục vụ, truyền giáo, giáo dục, xã hội, y tế, nghệ thuật, truyền thông, lao động… Các linh mục dòng có thể được gửi đi hoạt động bất cứ nơi nào nhà dòng được phép hoạt động. Các cha dòng cũng được bề trên gửi đến các giáo phận để phục vụ như các cha triều và trong khi phục vụ chúng ta cũng khó phân biệt họ với linh mục triều.
Ngoài ra, trong thực tế, ta còn thấy sau chữ ký hay danh xưng của các linh mục dòng còn có thói quen viết thêm chữ tắt tên của dòng mình như: S.J. (Societas Jesus – Dòng Tên), O.P. (Ordo Predicatorum – Dòng Đa Minh), O.F.M. (Ordo Fratrum Minorum – Dòng Thánh Phanxicô), CSsR (Congregatio Sanctissimi Redemptoris – Dòng Chúa Cứu Thế), CMC (Congregatio Matris Corredemptricis – Dòng Đồng Công), M.S. (Missionarus Salettensis – Dòng LaSalette), C.F.C.(Congregatio Fratrum Christianorum – Dòng Sư Huynh Lasan), O.H. (Ordo Hospitalis – Dòng Bệnh Viện – Gioan Thiên Chúa), S.D.B. (Società Salesiana di San Giovanni Bosco – Dòng Salesian Don Bosco), O.S.B (Ordo Sancti Benedicti – Dòng Biển Đức), S.V.D. (Societas Verbi Divini – Dòng Ngôi Lời), …
Sau đây là bảng tóm lược một số các điểm khác biệt giữa linh mục triều và dòng:
Linh mục triều (giáo phận)
Cộng đoàn : Giáo Phận
Bề trên : Đức Giám Mục
Lời Khấn ; Không có Lời khấn
Độc thân : Độc thân
Khó nghèo : Được làm chủ, sử dụng của cải tiền bạc theo ý mình
Sống chung ; Thường không có đời sống cộng đồng
Linh đạo ; Không có linh đạo riêng
Phạm vi hoạt động ; Thường trong giáo phận
Công việc ; Chủ yếu là phục vụ trong giáo xứ
Ký hiệu sau danh xưng ; Không có.
Linh mục dòng
Cộng đoàn : Nhà dòng
Bề trên : Bề trên dòng
Lời Khấn ; Có 3 Lời khấn
Độc thân : Độc thân
Khó nghèo : Phải có phép bề trên
Sống chung ; Có đời sống cộng đồng - sống chung
Linh đạo ; Sống theo linh đạo của dòng
Phạm vi hoạt động ; Bất cứ nơi nào được sai đến
Công việc ; Đa dạng, tùy đoàn sủng của dòng
Ký hiệu sau danh xưng ; Có ký hiệu là chữ tắt tên của dòng.
Còn về ơn gọi thì tùy thuộc nhiều yếu tố theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn thích hợp cho từng người.
(Lm. Phi Quang, WGP.Hải Phòng)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét