Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Thánh Giuse hay làm phép lạ


Thánh Giuse hay làm phép lạ
Thánh Giuse hay làm phép lạ
Tự truyện : "Thấy mình còn trẻ mà bị bất toại, lại thấy tình trạng đáng buồn do các y sĩ trần gian đưa đẩy tôi vào, tôi quyết định chạy đến cùng các y sĩ trên trời để được khỏi bệnh … Tôi nhận Thánh Giuse vinh hiển làm Đấng bàu chữa và bảo hộ tôi. Tôi cậy nhờ Người cách rất thiết tha. Ơn cứu giúp của Người nổi bật nhãn tiền. Đấng bảo hộ và Cha hiền của linh hồn tôi đã cứu tôi khỏi bệnh tật suy tàn về thân xác, cũng như Người đã giải thoát tôi khỏi những hiểm nguy trầm trọng hơn về mặt khác, có thể làm hại hạnh phúc đời đời của tôi. Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bàu của Vị Thánh vinh phúc này".




1. Thánh nữ Têrêsa Avila :


Tự truyện : "Thấy mình còn trẻ mà bị bất toại, lại thấy tình trạng đáng buồn do các y sĩ trần gian đưa đẩy tôi vào, tôi quyết định chạy đến cùng các y sĩ trên trời để được khỏi bệnh … Tôi nhận Thánh Giuse vinh hiển làm Đấng bàu chữa và bảo hộ tôi. Tôi cậy nhờ Người cách rất thiết tha. Ơn cứu giúp của Người nổi bật nhãn tiền. Đấng bảo hộ và Cha hiền của linh hồn tôi đã cứu tôi khỏi bệnh tật suy tàn về thân xác, cũng như Người đã giải thoát tôi khỏi những hiểm nguy trầm trọng hơn về mặt khác, có thể làm hại hạnh phúc đời đời của tôi. Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bàu của Vị Thánh vinh phúc này".
 
"Dường như Đấng Tối Cao ban ơn cho các thánh giúp chúng ta việc này việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thì Thánh Giuse vinh hiển có quyền năng rộng rãi giúp chúng ta trong mọi việc. Như thế là Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng, như xưa Chúa đã vâng phục Thánh Cả dưới thế, đã nhìn nhận Người với quyền làm cha và làm giám quản, thì nay ở trên trời, Chúa cũng sẵn lòng chiều theo ý muốn của Người, mà nhận mọi lời Người cầu xin. Những người khác mà tôi khuyên chạy đến cùng Vị Bảo Hộ này, cũng nhận thấy điều ấy như tôi, do kinh nghiệm. Vậy nên số các linh hồn sùng kính Thánh Cả Giuse ngày càng gia tăng, và những hiệu quả tốt lành do sự chuyển cầu của Thánh Cả ngày càng xác nhận lời tôi nói là sự thật ..."
 
"Qua kinh nghiệm lâu dài như vậy, ngày nay được biết rõ uy thế rất lạ lùng của Thánh Giuse trước toà Thiên Chúa, tôi muốn thuyết phục mọi người tôn kính sùng mộ Thánh Cả Giuse cách đặc biệt. Cho đến nay tôi vẫn thấy những ai có lòng sùng kính Người đích thực và chứng tỏ bằng việc làm, họ điều tiến tới trên đường nhân đức, vì Đấng Thánh Bảo Hộ trên trời hằng giúp đỡ rõ rệt về đường tiến đức cho những ai cậy nhờ Người. Đã từ nhiều năm nay, cứ ngày lễ kính Thánh Giuse, tôi vẫn xin Người một ơn đặc biệt, và tôi luôn được toại nguyện. Khi nào lời cầu nguyện của tôi có điều gì chưa toàn hảo theo mục đích sáng danh Chúa, thì Người điều chỉnh lại cho, để giúp tôi rút được lợi ích lớn lao hơn. Nếu tôi có quyền viết, tôi sẵn lòng thuật lại trong một ký thuật tỉ mỉ, những ơn mà biết bao người cũng như tôi đã thụ lãnh ở nơi Thánh Cả Giuse. Nhưng để không ra ngoài phạm vi mà đức vâng lời đã chỉ định cho tôi, có việc tôi buộc lòng chỉ lướt qua, còn việc khác có lẽ tôi hơi dài dòng, vì tôi quá vụng về không biết giữ đúng giới hạn của sự kín đáo trong việc lành. Vậy tôi chỉ còn biết, vì lòng mến Chúa, nài xin những ai không tin lời tôi, hãy thử mà cậy nhờ, cầu khẩn Thánh Tổ Phụ Giuse vinh hiển và nhiệt thành tôn sùng kính mến Người, là điều ơn ích dường nào !
 
Nhất là những người nguyện ngắm, càng phải luôn luôn kính mến Người với hết tình con thảo. Tôi không hiểu sao người ta có thể nghĩ đến Đức Trinh Vương Các Thiên Thần và nhớ lại mọi khổ cực Người đã phải chịu trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, mà người ta lại không cám ơn Thánh Cả Giuse. Vì Người đã cứu giúp Mẹ Con Chúa cách tận tình và hoàn hảo đến thế ! Ai không tìm được thầy dạy dỗ cách nguyện ngắm, xin hãy chọn Vị Thánh Cả tuyệt diệu này làm thầy ; và dưới sự dìu dắt của Người, họ sẽ chẳng sợ lầm lạc, khi tôi đã táo bạo dám nói về Người. Tôi công khai biểu lộ lòng sùng kính đặc biết đối với Người, điều ấy rất thật đó, nhưng về các công việc để làm vinh danh Người, và việc bắt chước các nhân đức Người, thì tôi còn thua kém lắm. Vậy mà Người đã làm chói rạng nơi tôi quyền năng và lòng nhân từ của Người, nhờ Người, tôi đã cảm thấy sức lực phục hồi, tôi đứng dậy, tôi đi, tôi không còn bất toại nữa".
 
Một vinh quang trong sứ mạng của Thánh Nữ Têrêsa theo ơn Chúa Quan Phòng cho những thế kỷ gần đây, là đã phổ biến việc sùng kính Thánh Cả Giuse trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
 
Tác giả lừng danh Patrignant đã viết : "Thánh nữ Têrêsa là một trong những ngôi sao sáng ngời nhất, một trong những kim cương mỹ lệ nhất nơi triều thiên Thánh Cả Giuse. Bà đã được Thiên Chúa chọn để truyền bá việc tôn sùng Thánh Cả Giuse trong khắp thế giới, và để đặt bàn tay cuối cùng, nếu có thể nói như thế, vào công cuộc lớn lao này" (Dévot à Saint Joseph, q.I, ch.XI).
 
Nhà thờ của Đan viện cải cách đầu tiên do Bà lập được dâng kính Thánh Giuse. Trong 17 Đan viện Bà lập sau Đan viện Avila, thì 12 Đan viện được dâng kính Thánh Tổ Phụ, nhưng Bà đưa việc tôn sùng Thánh Giuse vào tất cả mọi Đan viện. Bà trao phó hết cho Thánh Giuse bảo hộ, Bà luôn luôn đặt tượng Vị Thánh trên cửa vào tu viện. Hơn nữa người ta được đọc trong một hồ sơ pháp lý để phong thánh cho Bà : "Bà tự tay đặt ở cửa vào mỗi tu viện một bức ảnh Đức Mẹ và Thánh Giuse trốn sang Ai cập với lời ghi : Pauperem vitam gerimus, sed multa bona habebimus, si timuorimus Deum : Chúng ta sống khó nghèo, nhưng chúng ta sẽ được tài sản lớn, nếu chúng ta kính sợ Thiên Chúa (Tb 4,23). Trong một khuyến cáo Bà nói : "Mặc dù các chị em tôn kính nhiều vị thánh làm bổn mạng, nhưng chị em hãy có lòng đặc biệt đối với Thánh Cả Giuse, vì Người có quyền thế rất lớn trước toà Thiên Chúa" (Avis, LXV).
 
Thánh Nữ Têrêsa đã trối lại cho toàn thể Dòng của Bà một lòng nhiệt thành, hăng say làm vinh danh Thánh Cả Giuse. Theo gương Bà, Dòng Cát Minh không ngừng hoạt động phổ biến việc tôn sùng Thánh Tổ Phụ, và người ta có thể nói là Dòng Cát Minh cải cách thi đua nhiệt thành với Dòng Cát Minh cựu thời, đã được Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XIV khen ngợi như sau : "Theo ý kiến các nhà thông hiểu, chính Dòng này đã đưa từ Phương Đông sang Phương Tây tập tục đáng khen ngợi là tôn kính Thánh Cả Giuse bằng việc kính long trọng nhất".
 
Đến cuối thế kỷ XVII, nguyên trong dòng Cát Minh người ta đã đếm được 150 nhà thờ mang thánh hiệu Giuse. (Phạm Đình Khiêm, Thánh Giuse Tuyệt Diệu, trang 44-48)
 
Thánh nữ, một nhà chiêm nghiệm sâu xa và là một nhà năng động hiếm có, là một người rất có lòng sùng kính Thánh Cả Giuse. Lòng sùng kính ấy, cũng như Thánh Bênađô, Bà đã được trong một thị kiến. Bà tự thuật : "Ngày lễ Mông Triệu, tôi được xuất thần như ra khỏi tôi … Tôi được mặc một chiếc áo thật trắng và chói sáng. Thoạt đầu tôi không biết ai đã mặc cho tôi. Nhưng rồi, tôi thấy Đức Mẹ ở bên hữu và Cha tôi, Thánh Giuse, ở bên tả đã mặc cho tôi. Và tôi được nghe : từ đây tôi được rửa sạch mọi tội lỗi của tôi. Sau việc mặc áo, tôi cảm thấy đầy hạnh phúc và sung sướng, và tôi thấy Đức Mẹ cầm tay tôi và nói : "Mẹ rất vui thích khi thấy con tôn sùng Thánh Cả Giuse vinh hiển. Tôi có thể tin rằng ý định lập dòng của tôi sẽ thành tựu. Chúa Kitô và Hai Đấng sẽ được tôn vinh..." (Hồng Phúc, Thánh Cả Giuse, Cali, Hoa Kỳ, 1996, trang 98).
 

2. Thầy Anrê và nguyện đường Mont Royal, Montréal, Canada :


Trung tâm quốc tế sùng kính Thánh Giuse là ở Montréal, Canada trong "nguyện đường Mont Royal". Nguyện đường ấy là một vương cung thánh đường vĩ đại, hằng năm thu hút khoảng 2 triệu khách hành hương. Đó là một công cuộc của một thầy Dòng hèn mọn, thầy Anrê, mà Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước ngày 23-5-1982. Thầy Anrê chính là một thách đố đối với sự khôn ngoan trần thế. Ngài không có sức khỏe thì lại sống đến 91 tuổi. Ngài ít học, chỉ biết ký tên, để trả lời 80.000 bức thư mỗi năm, phải dùng 4 thư ký. Ngài không được ai biết thì mỗi ngày phải tiếp trung bình từ 2 đến 300 người khách. Ngài là một tu sĩ rất nghèo lại xây dựng được một ngôi thánh đường lớn nhất thế giới dâng kính Thánh Giuse.
 
Alfred Bissette sinh hạ tại Québec ngày 9-8-1845, thứ tám trong một gia đình 12 anh em. Mồ côi cha mẹ sớm, Alfred phải trải qua nhiều đói khổ và bệnh tật, làm bánh mì, làm thợ giày, thợ rèn, lại mắc bệnh yếu bao tử không làm được việc nặng mà Alfred phải mang suốt đời. Điều làm cho anh vượt thắng là sự cậy trông vào Chúa quan phòng và Thánh Cả Giuse.
 
Lúc lên 25 tuổi, Alfred được nhận vào tập viện Dòng Thánh Giá, trước đây gọi là Dòng Sư Huynh Thánh Giuse và mang tên Anrê. Thầy Anrê làm thầy gác cửa của trường trung học Đức Bà ở Montréal. Mặc dù bị bệnh bao tử hành, thầy vẫn tỏ ra vui vẻ và tiếp đón mọi người, nghe họ tâm sự, từ học sinh đến phụ huynh cha mẹ. Anrê lắng nghe, an ủi, cầu nguyện và khuyến khích cầu nguyện.
 
Người có biệt tài nói đến Thánh Cả Giuse và xin mọi người cầu nguyện với Thánh Nhân trong mọi thử thách phần hồn phần xác. Người dùng ảnh vảy Thánh Giuse chà sát lên vết thương hay thoa dầu đã được đốt trước tượng Thánh Cả. Vết thương lành và tâm hồn trở lại. Bệnh nhân ùn ùn kéo đến làm xáo trộn trật tự của trường... cần phải chấm dứt. Bề trên xin thầy phải rút lui không được tiếp ai cả. Thầy tuân lệnh, nhưng vẫn ôm mộng làm được gì lớn lao cho Thánh Cả và các bạn bệnh nhân.
 
Trước mặt trường trung học là quả đồi gọi là đồi Mont Royal. Thầy Anrê ước mơ xây ở đó một nguyện đường kính Thánh Giuse. Người lên đồi, cầu nguyện suốt nhiều đêm và đem ảnh vảy Thánh Giuse rải khắp nơi. Thánh Cả bắt đầu làm việc. Một lô đất được mãi tậu, một tượng Thánh Giuse được dựng lên và một nguyện đường được khởi công ... Nhưng không bao lâu trở nên bé nhỏ trước hàng trăm ngàn người đến kính viếng và câu xin ơn Thánh Cả.
 
Với thầy Anrê, không có gì là quá lớn đối với Thánh Giuse. Một đại thánh đường được khởi công. Thầy Anrê có một phòng nhỏ sát cạnh vương cung thánh đường mà Người chỉ gọi là "Nhà nguyện Thánh Giuse". Người cầu nguyện và giúp người ta cầu nguyện. Mỗi ngày Người giúp lễ, viếng Thánh Thể, tổ chức lần hạt mân côi, đi đàng Thánh Giá. Buổi chiều Người xuống phố đi thăm bệnh nhân không thể lên thánh đường và kết thúc bằng việc chầu Thánh Thể.
 
Thầy Anrê qua đời ngày 6-1-1937 hưởng thọ 91 tuổi. Mặc dầu trời băng tuyết, hơn một triệu người đã đi qua trước linh cũu.
 
Vương cung thánh đường vẫn mang tên là "Nguyện đường" để ghi nhớ sự khiêm tốn của buổi đầu. Nhưng có đủ mọi dịch vụ của một trung tâm hành hương lớn, dịch vụ tiếp đón, dịch vụ thiêng liêng. Nhất là ở đây còn có một trung tâm đại kết và "Giuse Học", các nhà thần học hội họp và nghiên cứu về tu đức theo đường hướng cuộc sống của Thánh Giuse.
 
Ngày 11-9-1982 trong cuộc công du viếng thăm Canada, Đức Gioan Phaolô II đã đến kính viếng "Nguyện đường Thánh Giuse", và ngôi mộ chân phước Anrê nằm sau bàn thờ chính.
 
Câu chuyện "Nguyện đường Thánh Giuse" như một câu chuyện thần tiên, khai sinh và triển nở cách lạ lùng. "Không gì là bé nhỏ đối với Thánh Cả Giuse" quả đúng như lời Người đã nói (Hồng Phúc, Sđd, trang 109-112).
 

3. Thánh Giuse Cotignac :


Ở tại Cotignac, miền Nam nước Pháp, có những ngôi thánh đường cổ xưa và kỳ lạ dâng kính Đức Mẹ và Thánh Giuse, lôi kéo rất nhiều du khách hành hương. Ba giai đoạn hành hương tiếp diễn.
 
Giai đoạn đầu : xảy ra ngày 10-8-1519. Hôm ấy trời rất oi bức trong đám rừng thông núi Verdaille ở Cotignac gần Frejus. Ông Jean de la Baume, sợ hoả hoạn, đã quyết định đốn hạ cây làm củi. Là một Kitô hữu đạo đức, trước khi bắt tay vào việc, ông quỳ gối nguyện kinh.
 
Nhưng khi đứng lên, ông thấy một ánh sáng lạ xuất hiện bên cạnh, một ánh sáng chói chang đến độ át hẳn ánh sáng mặt trời hôm ấy. Trong bầu ánh sáng ông nhận ra nhiều Đấng vị vọng. Phản ứng đầu tiên của ông là bỏ chạy vì không biết điều gì sẽ xảy ra, thì ông nhìn thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng trên tay. Đức Mẹ nói : "Ta là Trinh Nữ Maria, hãy đi nói với các giáo sĩ và các vị chấp chánh ở Cotignac phải xây cất ở đây một nhà thờ mang tên là "Nhà Thờ Đức Mẹ Ban Ơn". Hãy đến tổ chức rước kiệu để hưởng nhờ các ơn huệ mà Ta sẽ ban …".
 
Ông Jean de la Baume sửng sốt … xây một nhà thờ … trong cánh rừng thông ! Bên cạnh Đức Mẹ lại còn có Thánh Micae, Thánh Nữ Catarina Alexandria ... Rồi tất cả như tan biến trong ánh sáng huy hoàng của mặt trời. Ông Jean không nói với một ai về câu chuyện bất ngờ ấy khi chiều tối ông trở về.
 
Hôm sau, ông trở lại lên khu rừng thông đốn củi và cảnh tượng lạ lại xảy ra. Ông trở về làng kể lại câu chuyện. Dân làng quyết định làm theo lệnh trời ban. Ngôi nhà thờ mọc lên, cuộc hành hương khởi đầu và lớn dần. Ngày 6-5-1628 Đức Giáo hoàng Urbanô VIII giảng thuyết : "Tại Cotignac trong Giáo phận Frejus, có ngôi thánh đường nổi tiếng dâng kính Đức Trinh Nữ Maria, gọi là Đức Mẹ Ban Ơn, vì những phép lạ cả thể mà Thiên Chúa đã làm ở đó, các giáo dân, vì lòng biết ơn và sùng kính, đã chạy đến từ khắp thế giới".
 
Giai đoạn hai : liên hệ đến lịch sử nước Pháp, nhất là vua Louis XIII và lời khấn dâng nước Pháp cho Mẹ. Hồi ấy có một thầy dòng tên là Fiacre de Sainte Marguerite. Ngoài đời thầy mang tên là Denis Antheuame. Thầy rất sốt sắng, sau buổi kinh đêm, thầy còn thức khuya cầu nguyện. Thầy lâm bệnh nặng và được đưa vào bệnh xá của dòng. Thầy chỉ sợ một điều là thêm gánh nặng cho nhà dòng. Thầy y tá trả lời : "Đừng lo, Bà hoàng hậu chúng ta Anna Áo quốc (Anne d’Autriche) hay đến đây và giúp chúng ta nhiều để nhà chúng ta cầu nguyện hãm mình xin cho bà được một đứa con nối ngôi báu nước Pháp". Thầy biết nước Pháp đang cần có hoàng tử nối ngôi. Thầy liền cầu nguyện và ngày 28-10-1637 Đức Mẹ hiện ra với Thầy và cho biết hoàng hậu Áo quốc sẽ sinh hạ một hoàng tử, nhưng trước đó bà phải làm ba tuần cửu nhật, một kính Đức Mẹ Cotignac, một kính Đức Bà Paris và một kính Đức Bà Thắng Trận. Vì sao lại ba ? Rất dễ hiểu : Đức Bà Cotignac vì Mẹ hứa ban nhiều ơn, Đức Bà Paris vì là Giáo Hội mẹ, thủ đô nước Pháp, và Đức Bà Thắng Trận vì được tôn vinh do nhiều ơn lành ban cho quốc gia. Vua Louis XIII phu quân được một hoàng tử, và thầy Fiacre thuộc tu viện các tu sĩ Augustinô ở Paris được đề cử, thay mặt nhà vua và bà hoàng hậu, đi đến đền thờ Cotignac để cám ơn Đức Mẹ. Để tỏ lòng biết ơn hơn nữa, vua Louis XIII đã dâng quốc gia cho Đức Mẹ. Đó là điều mà lịch sử gọi là "Lời khấn hứa của vua Louis XIII". Vua Louis XIV, "Ông vua mặt trời", đã đi hành hương Cotignac ngày 21-2-1660.
 
Giai đoạn ba : thật ly kỳ. Ngày 7-6-1660, trên sườn đồi Bessillon, cách nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn ba cây số về hướng Tây, một người chăn chiên tên là Gaspard Ricard đang chăn giữ đoàn vật và ngồi nghỉ dưới gốc cây. Trời nắng chang chang. Anh lại khát nước. Bỗng dưng có một người đàn ông xuất hiện trước mặt anh. Ông lấy tay chỉ vào một tảng đá lớn trên thảm cỏ và nói : "Ta là Giuse. Hãy cất tảng đá này đi và có nước uống". Anh Gaspard là con người thực tế, anh lượng định sức mình không làm sao xê dịch được tảng đá quá lớn và quá nặng. Người tự xưng là Giuse lại truyền : "Cất hòn đá đi và anh sẽ được nước uống". Người chăn chiên vâng lời. Anh nâng tảng đá lên một cách dễ dàng như nâng một chiếc lông hồng và đặt một bên. Một dòng suối trong veo, mát mẻ lộ hiện. Anh cúi xuống sát đất và uống một mạch cho đỡ khát. Uống xong, anh ngửa mặt lên để cám ơn người lạ dễ thương. Nhưng không thấy đâu cả. Ông đã biến đâu mất, nhìn trước ngó sau, anh không thấy ai.
 
Anh vội chạy về làng kể lại việc lạ xảy ra. Nhưng người ta không tin. Anh năn nỉ mời họ ra xem. Giòng nước chảy từ ba giờ và còn chảy mạnh. Mọi người đều kinh ngạc. Tảng đá còn nằm lồ lộ ở đó, tám người thử nâng lên không nổi, như đã được chốt xuống lòng đất. Một tia sáng xuyên qua tâm hồn, Gaspard người chăn chiên chất phác đã hiểu. Giuse kỳ diệu ấy không ai khác là Thánh Giuse. Ngài đã ban cho anh một sức mạnh phi thường để di chuyển tảng đá. Dân làng bắt đầu cầu nguyện. Và từ năm 1660, dân chúng đổ về cầu xin Thánh Giuse và uống nước. Giòng nước tuôn chảy chữa bệnh tật phần xác và phần hồn.
 
Nhà cầm quyền Cotignac, được dân chúng ủng hộ, đã xây cất ở đó một thánh đường trùm lên suối nước, được Đức Giám mục Frejus long trọng làm phép ngày 9-8-1660. Một tu viện cũng được thiết lập bên cạnh. Tại Cotignac, Thánh Giuse dạy chúng ta "hãy cất hòn đá đi", để cho "ngọn suối ơn thánh" tuôn chảy. "Ai khát hãy đến với Tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (Ga 7,38) (Hồng Phúc, Sđd, tr. 103-108).
 

4. Ba nữ tu dòng Mến Thánh Giá :


Sau biến cố 1975, ba chị em dòng Mến Thánh Giá cùng một Giáo phận gặp nhau lại trên đất Mỹ. Họ gặp nhau, như ngày xưa ba chị em lên Hà Nội mong được phúc tử đạo, nhưng sắc lệnh cấm đạo đã được rút lại, họ quyết định lui về Bái Vàng lập nên một tu viện tiền thân của dòng Mến Thánh Giá bây giờ. Ba chị em chọn xứ Hoa Hồng Porland để tiếp tục đời sống tận hiến. Nhà dòng phát triển, có rất nhiều ơn gọi, đến nỗi không đủ chỗ để tiếp nhận. Chị em cầu nguyện với Thánh Giuse. Ngài liền ban cho một ngôi nhà rộng rãi khang trang, như ơn trời rơi xuống. Và hiện nay trong tu viện mới, mỗi thứ tư đều có thánh lễ tạ ơn Thánh Cả, và trong nhà ngoài ngõ có tất cả 6 pho tượng Thánh ân nhân, từ nhà khách đến nhà bếp và ngoài vườn. Giuse là Đấng bảo trợ cho người sống đời tận hiến (Hồng Phúc, Sđd, tr. 102).
 

5. Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á, Porland, Oregon, Hoa kỳ :


Người du khách nào đến trung tâm cũng chú ý đến Tượng đài Thánh Giuse nằm giữa một khuôn viên đẹp đầy hoa lá. Pho tượng Thánh Cả cao gần 2m, ẵm Chúa Hài Nhi, uy nghi, óng ánh trong nắng vàng, như đón chào người du khách. Một tấm đá cẩm thạch màu hồng được gắn liền vào trụ đài với hàng chữ nổi bật : "Giáo xứ ghi ơn Thánh Cả, 1986".
 
Porland đã lôi cuốn cả 6.000 người Việt Công giáo đến định cư. Giáo quyền trao cho một linh mục dòng Chúa Cứu Thế đứng ra tổ chức thành một giáo xứ tòng nhân, một trong những giáo xứ di cư đầu tiên trên đất Hoa Kỳ. Để có chỗ thờ phượng và sinh hoạt, Giáo phận thuê lại những cơ sở cũ của một trường nữ trung học của các bà Dòng Chúa Hài Đồng, nhưng đã bỏ trống, vì thiếu người trông coi. Cơ sở toạ lạc trên gần 4 mẫu tây, gồm một thánh đường, một hội trường, một ngôi nhà lớn 4 tầng, rất tiện việc đi lại, sinh hoạt. Ngày 15-3-1981, tháng Thánh Giuse, Trung tâm khai mạc mang tên là Trung tâm Mục Vụ Đông Nam Á. Giáo xứ tiến triển mạnh, nhưng vẫn ở trong tình trang "ăn nhờ ở đợ", không biết đến ngày nào.
 
Năm 1986, đùng một cái, các nữ tu đòi lại và treo bảng bán. Giáo hội Tin Lành ngả giá muốn mua. Một tổ chức địa ốc khác lại trả giá cao hơn và bắt đầu làm thủ tục mua. Các linh mục quản nhiệm, hội đồng giáo xứ và giáo dân nghèo không biết làm sao hơn là chạy đến cầu khấn với Thánh Cả Giuse. Tất cả đồng thanh quyết định sẽ xây một đài kỷ niệm cám ơn Thánh Cả, và mỗi ngày thứ tư có thánh lễ dâng kính Ngài. Thánh Giuse đã hành động. Chính trong ngày lễ Thánh Cả năm ấy, Thánh nhân đã lật ngược thế cờ. Cơ quan địa ốc sở hữu chủ, đổi ý kiến, xin nhường lại cơ sở cho giáo xứ Việt Nam, tiếp tục làm nơi thờ phượng, với khoản bồi thường dài hạn (Hồng Phúc, Sđd tr. 130-131).
 

6. Họ đạo Mỹ Hoà, xã Tân Thới Trung, Hốc Môn :


Trong "Nhật ký họ Thánh Giuse Mỹ Hoà" có ghi như sau : "Năm 1973, có dự định lập sở truyền giáo giữa một thôn làng gọi là Mỹ Hoà. Sự chuẩn bị về nhân tâm kể đã xong. Nhưng khó tìm được một thuở đất vừa tiện lợi vừa đẹp đẽ. Sau khi tìm kiếm và cầu nguyện với Thánh Giuse, một năm sau mới chọn được một địa điểm vừa ý. Nhưng ngặt một nỗi là bà chủ đất không muốn sang nhượng.
 
"Ngày 24-10-1973 cha sở và một số tông đồ giáo dân đến thăm đất, đọc kinh khấn Thánh Giuse và hứa nếu mọi sự xong xuôi, sẽ tôn Ngài làm quan thầy họ mới.
 
"Lạ lùng thay một tuần sau, chủ đất đồng ý và giao kèo được ký kết. Khi khởi công xây nhà thờ, phương tiện rất eo hẹp, chỉ mong nhờ Thánh Cả Giuse. Chỉ sau ba tháng cơ sở đã hoàn thành, gồm nhà nguyện kính Thánh Giuse, trường học và nhà ở cho giảng viên.
 
"Lễ khánh thành được tổ chức chính ngày lễ Thánh Giuse, 19-3-1973. Từ đó họ đạo mang tên Thánh Giuse phát triển mạnh" (Châu Thuỷ, Thánh Giuse, tr. 215-218).
 

7. Thánh Giuse ở Kapellen, Bỉ :


Năm 1956 tại Anvers, một hải cảng lớn của nước Bỉ, nhưng cũng là một nơi có rất nhiều tệ đoan xã hội, nhất là trong giới nghèo thợ thuyền. Tại đây trong một tu viện, có một chị nữ tu không làm gì khác ngoài việc đi thăm viếng người nghèo và cầu nguyện. Chị tiếp xúc với những người cùng đinh xã hội, những người nghèo xác xơ thường hay đến gõ cửa nhà dòng. Chị đã làm gì ? Hay chị có thể làm gì ? Khi đã là một nữ tu, thì phương tiện hoạt động rất hạn hẹp. Chị chỉ biết cầu nguyện và khuyến khích mọi người cầu nguyện với Thánh Cả Giuse, và kết quả rất là kỳ diệu.
 
Đoàn lũ người nghèo ùn ùn kéo đến tu viện bất chấp giờ giấc làm xáo trộn cuộc sống nội vi. Vì thế, chị được lệnh không tiếp ai, không ra nhà khách và lệnh cấm ấy lại phát xuất từ Toà Hồng Y, Đức Van Roey : "Chị phải sống ẩn dật không được đi ra ngoài … Chỉ được đi dạo vòng ngoài công viên lúc sáng sớm …".
 
Nhưng ngoài công viên lại có một Pho tượng Thánh Giuse và chị hay đến tỏ bày tâm sự. Và một ngày kia, chị nghe từ pho tượng phát ra, tiếng kêu đích danh chị, và lời dạy sau đây : "Justa, con đem Ta đến khu mới Kapellen, con biết chỗ ấy. Mọi người có thể đến. Ta sẽ cầu xin cho những ai đến kêu cầu Ta, và Trời sẽ xuống gần đất và đất sẽ lên gần Trời".
 
Chị Justa hứa sẽ đặt pho tượng vào ngày 1-5. Chị hứa, nhưng không biết làm sao thực hiện. Chị đem câu chuyện chia sẻ với một chị bạn. Chị này phát sợ, đã có nhiều khó khăn rắc rối rồi. Cả nhà dòng phản đối và cả Toà Giám mục nữa : "Chị ơi ! chị nghĩ đâu đâu".
 
Nhưng chị nghĩ là làm theo Thánh Giuse ! Và Thánh Cả chỉ dẫn cho chị biết dần những việc phải làm. Trước hết chị nằm mơ thấy mình đang nằm trong một xưởng thợ, có nhiều người đang làm việc. Bỗng chị thấy trong một xó góc có một pho tượng đầy bụi bặm dơ bẩn, đến độ chị không nhìn ra được tượng gì. Chị liền bắt đầu phủi bụi, lấy một chiếc khăn lau sạch. Thì ra là pho tượng Thánh Giuse. Chị rất kinh ngạc, nhưng vẫn lau chùi, trong khi các người thợ khác tỏ ra khó chịu vì làm bụi lan tỏa. Khi ấy, chị nhìn thấy một vị linh mục không quen biết bước vào. Thì ra là Thánh Gioan Don Bosco, một vị thánh rất sùng kính Thánh Giuse.
 
Chị Justa chợt tỉnh và tự hỏi mình phải làm sao. Chị liền đi ra công viên đến trước pho tượng Thánh Cả và cầu nguyện. Chị nói : "Nếu Thánh Cả muốn con đưa Ngài đến đó thì xin làm một dấu gì. Xin cho cha xứ đến gặp con hoặc bà ở của ngài cũng được … như một dấu chỉ rằng chính Thánh Cả muốn như vậy, và họ đến gặp con ở nhà khách vì con không được phép gặp ai". Khu phố Kapellen là một khu phố "đỏ", nổi tiếng về việc chống đối giáo sĩ mà họ gọi là "những con quạ đen". Không một linh mục nào đặt chân đến khu chống đối ấy, thì Thánh Cả Giuse lại chọn khu phố đó.
 
Hai ngày sau, Mẹ Bề Trên tu viện ban phép cho chị Justa được tiếp ở phòng khách bà quản gia của cha sở. Đây là dấu hiệu đầu tiên. Bà biết chị Justa cầu nguyện rất sốt sắng và đến xin chị khấn cho người em ruột đang mắc bệnh ung thư. Chị Justa trả lời : "Nếu bà làm hết sức để thuyết phục cha xứ đặt một pho tượng nhỏ Thánh Giuse tại khu phố mới Kapellen vào ngày 1-5 đến, chắc chắn bà sẽ được Thánh Giuse nhậm lời". Chị xin bà quản gia thuyết phục cha sở cho bằng được, vì việc đặt tượng không phải dễ. Cha sở từ chối ngay : "Thật là điên khùng. Ai lại đặt tượng Thánh Giuse vào giữa một khu phố chống giáo sĩ, vào ngày lễ lao động !".
 
Thánh Giuse lại phải can thiệp. Cha sở đã xiêu lòng phần nào khi thấy bà em cô quản gia của mình được lành bệnh hoàn toàn, tức khắc và lâu bền, nhưng vẫn khăng khăng từ chối. Thánh Giuse lại gửi đến cho cha một cơn bệnh rất khó chịu. Nhưng cha vận dụng lý trí để phân tích : Khu phố Kapellen thiết lập từ năm 1920 rất chống báng, ở đó có một bầu khí rất thù ghét Giáo Hội. Con cái gia đình nào được gửi đến trường đạo, cha mẹ đó sẽ bị tẩy chay sỉ vả. Ai lại đem pho tượng Thánh Giuse đặt vào đó ?
 
Cha sở được lành bệnh nhưng chỉ đặt pho tượng tại tư gia của mình. Thánh Giuse lại phải can thiệp bằng cách gửi đến cha sở ương ngạnh bệnh sưng đầu gối, cần phải mổ. Cha không hiểu làm sao cả. Cha liền dâng lại lời hứa sẽ đặt pho tượng Thánh Cả Giuse tại khu phố oái ăm này. Khi bệnh sưng chân được khỏi, cha lại cho rằng muốn đặt một pho tượng ngoài trời thì phải có một pho tượng khá lớn. Thánh Giuse lại can thiệp. Một bà lạ, từ đâu đến nhà cha sở, xin dâng một pho tượng Thánh Giuse, mà bà cho rằng nhà bà không xứng để đặt tượng Ngài. Bà nói : "Đây pho tượng Thánh Giuse, cha có biết một nơi nào muốn đặt pho tượng này không ?". Lạ thật cha sở vận dụng tất cả can đảm đến gặp Hội Đồng Thị Xã để xin phép đặt tượng. Ông Thị trưởng ký giấy cho phép ngay. Ai cũng ngạc nhiên.
 
Ngày áp lễ Lao Động, một người thợ mộc dựng chiếc đế cao để đặt pho tượng trước hiên một ngôi nhà. Hàng xóm không bằng lòng, nhưng giấy phép chính thức đã có, công việc vẫn tiến hành. Các phong trào bài giáo sĩ dự định đem "hội kèn tây" đến thổi để lấn át tiếng của cha sở khi dọc diễn văn khánh thành. Thánh Giuse lại can thiệp cho người đi giải độc, cho họ biết Thánh Giuse là một người lao động như họ và là quan thầy giới lao động, vì thế không nên chống phá. Ngày lễ Lao Động cũng là ngày khánh thành, làm phép pho tượng. Khu phố Kapellen đầy cờ đỏ phất phới, nhiều hội kèn tây cử những bài mừng Thánh Giuse. Thật long trọng.
 
Pho tượng Thánh Cả được đặt giữa hai ngôi nhà và người ta bắt đầu đến kính viếng. Nhóm người chống đối dần dần cũng đổi thái độ. Một bà già 80 tuổi ở gần đó, cảm thấy mình sắp được Chúa gọi về, đề nghị bán ngôi nhà đang ở để các linh mục biến thành ngôi nhà nguyện kính Thánh Giuse.
 
Giáo dân lũ lượt đến kính viếng, nhất là vào ngày thứ tư, cha sở chủ sự cầu kinh trước pho tượng Thánh Cả. Ngày 3-5-1957, Toà Tổng Giám Mục gửi người đến thanh tra và cấm cha sở không được dự vào việc sùng kính có vẻ quá ồn ào ở đó. Cha sở bị cấm, nhưng giáo dân không bị cấm, vẫn tiếp tục kéo đến, xung quanh pho tượng chất đầy những tấm đá tạ ơn.
 
Năm 1962 Đức Gíam mục mới của Tổng Giáo phận Anvers ban phép xây cất nhà nguyện mới, và năm 1964 thánh lễ đầu tiên được cử hành (Hồng Phúc, Sđd, tr. 113-119).
 

8. Trung tâm Mont-Rouge :


Một trung tâm mới nhất ờ Pháp dâng kính Thánh Giuse là Trung tâm Mont Rouge ở Languedoc, cách Béziers 12 cây số. Một trung tâm thanh vắng nhìn ra biển Trung Hải, để tĩnh tâm cầu nguyện.
 
Cũng như mọi nơi khác, công việc Thánh Cả Giuse khởi đầu trong âm thầm trầm lặng. Ngày 1-5-1966, cha Réné Granier, cha sở xứ Puimission, với giáo dân tổ chức cuộc cung nghinh Thánh Giuse từ làng lên đồi Mont Rouge, ngọn đồi được dâng hiến cho Thánh Cả và Thánh nhân bắt đầu làm việc. Nhiều cơ sở được xây dựng nên, một ngôi nhà thờ được khánh thành vào ngày 1-5-1968. Ai cũng biết tháng 5-1968 ở Pháp như có một cuộc cách mạng nhỏ suýt gây nên một đỗ vỡ lớn. Trong ngày ấy, kỷ niệm việc Đức Giáo hoàng Piô XII thiết lập Lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955, tại đồi Mont Rouge, trong khuôn viên Thánh Giuse vừa được mãi tậu. Thánh lễ đồng tế đầu tiên được cử hành, khởi đầu các cuộc hành hương của miền Languedoc. Nhiều cơ sở được xây dựng để đón tiếp khách hành hương. Hàng ngàn cây được trồng bao quanh đồi biến thành một nơi im lặng mát mẻ, để tĩnh tâm cầu nguyện. Một tu hội giáo dân được thành lập để lo dịch vụ hành hương, một tờ báo : Tiếng Vọng Mont Rouge được phát hành. Tất cả đều nhắm về một ý hướng : "À JESUS PAR MARIE, AVEC SAINT JOSEPH : NHỜ MẸ MARIA, VỚI THÁNH GIUSE ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU" (Hồng Phúc, Sđd, tr. 120-121).
 

9. Thánh Giuse là Đấng ngay chính thật thà :


Giáo xứ Lệ Sơn, Đànẵng, có cha sở từ năm 1900. Cha Giuse Nguyễn Trí Dũng hiện nay là cha sở thứ 15. Có hai giai đoạn không có cha sở : 1945-1954 và 1964-1975. Thực ra giáo xứ đã được Cố Thiên (Mayard) ở Phú Thượng thành lập đã gần chục năm trước. Năm 1962 cha sở Phaolô Trương Đắc Cần xây nhà thờ mới, bê tông cốt sắt.
 
Năm 1964 chưa kịp khánh thành, mới chỉ dâng thánh lễ, thì bị trận lụt lớn nhất từ trước đến nay, quen gọi là "lụt năm Thìn", và rồi chiến tranh. Cha con phải dắt nhau bỏ chạy ra Hoà Khánh. Vội vã bỏ đi đến nỗi trên tháp có bệ tượng Thánh Giuse, quan thầy giáo xứ, thì cũng chưa kịp đặt tượng. Nhà thờ và nhà xứ sau đó trở thành bãi chiến trường. Quân đội hai bên chết tại đây không phải là ít. Quân đội Mỹ cũng có lúc đóng ở đây. Những hàng chữ tiếng Mỹ còn nguệch ngoạc trên các bức tường đổ.
 
Năm 1975 hoà bình, sau hơn chục năm hoang tàn, tôi được sai về làm cha sở. Ngày 7-7-1975 tôi giã từ Trà Kiệu về Toà Giám mục. Hai ngày sau, ngày 9-7-1975, Đức cha phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách đưa tôi về nhận xứ, có cha Antôn Trần Văn Trường, bạn Hùng Dũng, lái xe. Vỏn vẹn chỉ có ba người. Cỏ mọc cao tới đầu gối, không có lối cho chiếc xe jeep đi vào sân nhà thờ. Xe đành để lại trên thuở đất bên cầu Bến Giang. Cha con vạch cỏ làm lối đi vào. Giáo dân khoảng 5, 6 chục người từ ba họ Lệ Sơn, Hà Thanh, Cẩm Sơn đùến trước chờ đón.
 
Đức cha vắn tắt giới thiệu. Anh Giuse Đặng Thiện thay mặt giáo xứ cám ơn Đức cha và chào tôi. Không một nghi thức. Đức cha ra về. Một mình nhìn nhà thờ mà ứa nước mắt. Tháp cao vẫn còn, đầy lỗ đạn. Tường nhà thờ khúc còn, khúc đổ. Mái nhà thờ trống trơn : ngói vỡ, rui mất, kèo bằng bê tông còn, nhưng đôi cái cũng bị đạn làm cong, làm gẫy. Nhà xứ không còn vết tích, cỏ phủ kín.
 
Đức cha bảo về Toà Giám mục ở, thứ bẩy chúa nhật về cho lễ, khi nào có nhà thờ nhà xứ thì ở luôn. Chắc họ cô đơn lắm ? Tâm trạng họ đã dao động nhiều. Giáo dân cho tôi trọ nhà ông biện Kim : không nhà tắm, không nhà vệ sinh, tất cả đều ra ruộng, bởi vì họ cũng mới ở Hoà Khánh về. Nhà cửa đều tạm bợ. Ban ngày đi ra thành phố xin xỏ, ban tối về làm lễ. Ngày thường làm lễ nhà ông biện, chúa nhật trên nền nhà thờ. Cha Khoá ở Sơn Trà cho một cái nhà điện. Số tôn số gỗ của ngài, cộng với số tôn số gỗ của nhà thờ Phước Nghĩa cha già Tước chia cho, đủ lợp được hai gian và một gian nhà xứ. Cha Giuse Đinh Công Hạnh cho cả trăm bộ bàn ghế của Trường Học Gioan XXIII, đem về đóng làm phên. Một tháng sau Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi về làm phép nhà thờ. Cha Phêrô Tống Kiên Hùng đi theo cho hai tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse bằng gỗ của Mỹ, thật mỹ thuật và tuyệt đẹp.
 
Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay năm 1980, sau 5 năm sống chật vật, tạm bợ, cha Anrê Phạm Năng Tĩnh về dâng lễ và giảng tĩnh tâm. Anh Giuse Nguyễn Văn Hiết chở ngài tới bằng xe vespa. Sau thánh lễ, cha và anh đi quan sát nhà thờ. Về sau được kể lại. Cha nói với anh : "Nhà mình ở thì đẹp, mà Nhà Chúa thì ọp ẹp. Cha con mình có thể sửa lại Nhà Chúa được không ?". Trong bữa ăn trưa, cha Tĩnh cho giáo xứ biết ý định của hai cha con. Làm sao kể được niềm vui đó. Hai cha con giúp đỡ hoàn toàn từ vật liệu cho đến công thợ, giáo xứ chỉ có công điều hành. Vui thì vui thật, nhưng cũng lo lắm, phép tắc làm sao đây ? Mọi người từ lớn đến bé đều một lòng cậy trông vào Thánh Giuse bổn mạng.Thế là từ nay trong gia đình cũng như trong nhà thờ, hằng ngày đọc Kinh cầu Ông Thánh Giuse. Đọc suốt thời gian dài, nên mọi người ai nấy thuộc lòng.
 
Cha Anrê làm tuyên úy dòng Phaolô. Cha đã xin Tu viện Sao Biển giúp đỡ. Bà nhất Florence cho dỡ toàn bộ dãy chuồng heo của nhà dòng. Tôn và gỗ rất nhiều. Chở ba xe bò mới hết. Thanh niên đều hăng hái đi chở. Vì lúc đó mọi vật tư đều được Nhà Nước quản lý, nên khi sắp tới cầu Nguyễn Văn Trỗi có công an gác, ai cũng sợ. Họ bàn với nhau : nếu có bị hỏi thì bảo : Các Sơ cho mỗi người một ít về sửa lại nhà dột, chuồng heo. Khi bàn như thế, tôi đi xe honđa theo, cũng có mặt, và đồng ý. Một thanh niên tên là Đặng Văn Hoà phản đối : "Nói như thế là nói dối, con cái Thánh Giuse không được nói dối, vì Thánh Giuse, Đấng ngay chính thật thà, như trong Kinh cầu". Biết anh nói thật chứ không nói chơi, nhưng nghe anh phát biểu, ai có mặt cũng cho là gàn. Đến đầu cầu bên kia, công an bắt giữ lại. Lạ lùng chẳng một ai nói, chỉ có anh Hoà cất tiếng : "Các Sơ cho chúng tôi về làm nhà thờ". Mọi người đều sợ. Thế mà khi nghe vậy, các anh công an lại cho qua.
 
Tôn của Các Sơ cho đủ lợp, nhưng gạch và xi măng kiếm ở đâu ra ? Trong làng có một gia đình có một số gạch không dùng, nhường lại cho nhà thờ. Vui biết mấy ! Các mẹ gia đình cả trăm người đem trạc, quang gánh, gánh về. Nhìn một dòng người gồng gánh, ôi đẹp quá !
 
Ximăng thì sao ? Ở cảng Sơn Trà, các công nhân bốc xếp có bán ximăng lẻ. Cha Khoá mua từng ký. Anh Hiết làm nghề nhuộm. Một số thùng phi đựng thuốc nhuộm không dùng, anh đem sang, cho cha Khoá đổ ximăng vào đó. Anh em thanh niên đem ba xe bò từ Lệ Sơn ra Sơn Trà chở về. Đổ ximăng vào các bao bố, đổ 2/3, còn 1/3 thì đổ vôi. Ở Sơn Trà cũng có một lò vôi, mua vôi tại đó. Nếu trên đường có ai hỏi thì nói là mua vôi về đổ ruộng, để khử nước phèn. Song chẳng có ai hỏi.
 
Nhà thờ ngày nào cũng có hằng trăm người đến làm. Thật là tấp nập và ồn ào. Lại thêm thợ từ Cồn Dầu lên, phải đăng ký tạm trú tạm vắng. Đăng ký tại tổ trưởng là ông Hờn thật dễ dàng. Có vài anh mặc thường phục đến thăm. Tôi dẫn các anh đi thăm nhà thờ, chỉ cho các anh thấy những chỗ hư hỏng cần phải sửa lại, các anh chẳng nói gì, rồi ra về. Trong khi dẫn các anh đi thăm nhà thờ, tôi sợ lắm,tôi cứ thầm thĩ kêu xin Thánh Giuse thương cứu giúp.
 
Nhà thờ sửa lại toàn bộ. Đắp tượng Thánh Giuse đặt trên bệ cũ ở trên tháp. Lưng tượng mỏng dẹp, có ý muốn nói : "Đã rút hết ruột của Thánh Giuse rồi !".
 
Đến Chúa nhật thứ năm Mùa Chay, ngày 23-3, Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, nay là Giám mục, khi đó là Đại diện Đức Giám mục, về làm phép nhà thờ. Sở dĩ chọn ngày đó, không chọn ngày lể Thánh Giuse 19-3, vì ngày chúa nhật mới có người đi đông, ngày thường phải làm hợp tác không nghỉ, không đi lễ được. Để tới ngày lễ Phục Sinh thì không được làm lễ kính Thánh Giuse. Ăn mừng nhà thờ, bằng cách mỗi gia đình : quay một con gà hay con vịt, lấy nếp làm bánh, đủ mọi thứ bánh, nhà có thứ trái cây nào thì đem thứ đó. Thánh lễ tạ ơn cử hành vào 9 giờ sáng. Từ 7 giờ sáng người người đội thúng quà đem đến, đặt trên hai cái bàn dài trên cung thánh. Sau lễ lấy ra ăn chung tất cả. Giản dị, nhưng sâu đậm tình người.
 
Thánh lễ hôm đó, mọi người hát với tất cả tấm lòng tạ ơn Thánh Cả Giuse. Bài hát là :
 
ĐK : Cả Lệ Sơn con hôm nay

Khi tiến vào Đền Thánh Chúa
Nhìn Nhà Chúa Cha xây
Con biết nói những gì đây
Ôi lạy Cha Thánh Cả Giuse
Ôi lạy Cha Thánh Cả Giuse
Con vui sướng quá đi
Ôi lạy Cha Giuse thương yêu

1. Lệ Sơn ơi hãy mở mắt cho to, mà nhìn xem ôi kỳ công của lòng tin.
2. Lệ Sơn ơi đã nhìn thấy rõ chưa, lòng Cha thương, hơn, hơn vạn lần ta mong.
3. Lệ Sơn ơi hãy đoàn kết thương nhau, thì Nhà Chúa mới kiên vững muôn đời tươi xinh.
(Theo lời kể của linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành, nguyện chính xứ Lệ Sơn, giáo phận Đà Nẵng).
 
-----
(Trích Sưu tập về Thánh Giuse của Louis Nguyễn Phúc Kim)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét